Powered by Blogger.

Monday 22 January 2018

Bệnh nhi bị tiêm nhầm thuốc có dấu hiệu chết não

Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết kết quả hội chẩn lần một cho thấy bé gái bị tiêm nhầm kali thay vì đường uống có dấu hiệu chết não. 
Sau gần một tuần điều trị, bé N.H.Tr. (bệnh nhi bị tiêm nhầm kali clorid vào đường tĩnh mạch thay bằng đường uống tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh) đang trong tình trạng rất nguy kịch, có dấu hiệu chết não.
Bệnh nhi Tr. 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc lên cơn co giật
Bệnh nhi Tr. 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc lên cơn co giật
Ngày 22/1, bệnh nhi này được chuyển tuyến từ Bệnh viện Xanh Pôn sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả hội chẩn lần một của các chuyên gia cho thấy bé có dấu hiệu chết não. 
“Gia đình chúng tôi tự chuyển cháu lên bệnh viện tuyến cao nhất, ở đây có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, họ sẽ chẩn đoán và đưa ra kết luận cuối cùng. Chúng tôi không thể ngồi chờ đợi mãi được”, chị Hải thông tin.Chị Trịnh Thị Thanh Hải (mẹ bé Tr.) cho biết từ khi chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn (ngày 15/1) đến nay, bé luôn trong tình trạng nguy kịch. Chiều 22/1, các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết không thể cứu chữa cho trường hợp này.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã đưa ra kết luận con gái chị bị chết não. Tuy nhiên, khi gia đình muốn xin cháu về nhà, các bác sĩ khuyên ở lại, để trường hợp xấu nhất xảy ra sẽ tiến hành làm thủ tục pháp y tìm nguyên nhân.
Về tình hình sức khỏe của cháu bé, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hiện kết quả hội chẩn lần một cho thấy bé gái bị tiêm nhầm kali thay vì đường uống có dấu hiệu chết não.
Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ hội chẩn thêm hai lần nữa để đưa ra kết luận cuối cùng. Theo bác sĩ, trẻ có nền bệnh nặng là nhiễm khuẩn huyết, tim bẩm sinh.
Trước đó, khoảng 17h50 ngày 15/1, bệnh nhi N.H.Tr. tới Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng sốt cao, nôn, đi ngoài. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị tiêu chảy cấp có mất nước, viêm họng cấp, theo dõi tim bẩm sinh. Đến 22h50 cùng ngày, trẻ mệt, khát nước, mắt trũng nhẹ, bụng mềm, còn chướng,… nên được chỉ định dùng kali clorid 10%/5 ml x 1 ống (uống 1/2 ống/lần). 
Đến 23h10 cùng ngày, sau khi điều dưỡng Hoàng Thu Trang thực hiện y lệnh, gia đình phát hiện bệnh nhi co cứng, thân nhiệt 37,5 độ, môi da tím nên báo với bác sĩ Vũ Thu Trang. Lúc này, bác sĩ Trang phát hiện điều dưỡng Trang dùng thuốc kali clorid 10% (2,5ml) tiêm tĩnh mạch cho trẻ.
Ngay sau khi phát hiện sự cố y khoa nhầm lẫn đường dùng thuốc, phía khoa Nhi đã có báo cáo lãnh đạo bệnh viện, mời hỗ trợ cấp cứu, hồi sức tích cực cho bệnh nhi rồi chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Xanh Pôn.
Sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh đã thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định định nguyên nhân, đồng thời đình chỉ công tác 30 ngày đối với điều dưỡng Hoàng Thu Trang.
Nguồn: news.zing.vn

Yêu cầu ngăn chặn đua xe, quá khích khi cổ vũ U23 Việt Nam

Phó thủ tướng yêu cầu ngăn chặn đua xe trái phép, cổ vũ quá khích, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục… trước, trong và sau trận đấu U23 Việt Nam gặp U23 Qatar chiều nay.

Sáng 23/1, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, có công điện chỉ đạo về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho hoạt động cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam.

Theo công điện, sau trận thắng lịch sử của U23 Việt Nam trước U23 Iraq tối 20/1, người dân cả nước có nhiều hoạt động chào mừng chiến thắng với số lượng đông đảo tại các khu vực công cộng và trên các tuyến giao thông. Do các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh kịp thời, tại các thành phố không xảy ra đua xe trái phép.
Nhiều người đổ ra đường ăn mừng trong trận thắng ở tứ kết của U23 Việt Nam
 Nhiều người đổ ra đường ăn mừng trong trận thắng ở tứ kết của U23 Việt Nam

Để tiếp tục đảm bảo an toàn trước và sau trận bán kết giữa U23 Việt Nam và U23 Quatar, Phó thủ tướng yêu cầu lực lượng công an, thanh tra GTVT, tổ chức điều tiết, hướng dẫn, phân luồng các hoạt động cổ vũ diễn ra trên các tuyến giao thông và các khu vực công cộng.

Các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Đặc biệt là các hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép, các hành vi cổ vũ quá khích, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục…

Các địa phương có phương án sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn trước, trong và sau khi diễn ra trận thi đấu.

Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia cổ vũ, ủng hộ đội tuyển U23 Quốc gia với khí thế vui vẻ, phấn khởi và có văn hoá.

Ngoài ra, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất và Lễ Hội Xuân 2018.
Nhiều tuyến đường ùn tắc sau trận U23 Việt Nam thắng U23 Iraq tối 20/1
Nhiều tuyến đường ùn tắc sau trận U23 Việt Nam thắng U23 Iraq tối 20/1
Bộ Công an, các tỉnh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt là các hành vi điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ và tải trọng phương tiện.

15h chiều nay (23/1), U23 Việt Nam sẽ gặp U23 Qatar ở trận bán kết U23 Châu Á.

Trước đó, trong trận đấu tứ kết với U23 Iraq, U23 Việt Nam đã giành chiến thắng trên loạt “đấu súng” 11 m.

Ngay sau chiến thắng, người dân Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác đã đổ ra đường ăn mừng đến sáng. Tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều tuyến phố ở Hà Nội, TP.HCM.
Nguồn: Zing.vn

Wednesday 18 January 2017

Lội bùn thu hoạch cá chép trước ngày ông Táo về trời

Giáp Tết ông Táo, người dân làng nghề Tân Cổ (Thanh Hóa) hối hả giăng lưới, lội bùn thu hoạch cá chép đỏ. Năm nay, giá cá dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng mỗi kg.

Hối hả thu hoạch cá chép trước ngày Táo quân về trời: Giáp Tết ông Táo, người dân làng nghề Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hối hả giăng lưới, lội bùn thu hoạch cá chép đỏ.

Từ ngày 20 đến ngày 22/12 âm lịch, người dân làng Tân Cổ (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hối hả thu hoạch cá chép. Tân Cổ là làng nghề nuôi cá chép có từ lâu đời, đặc biệt là cá chép đỏ làm "phương tiện" cho ngày ông Công, ông Táo về trời (23 tháng Chạp âm lịch).

Ở ngôi làng này, nhà nào cũng có ao nuôi cá, ít thì một, nhiều thì đến 3 - 4 ao. Cá được người dân nuôi trước Tết khoảng 5-6 tháng. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là rong rêu, sinh vật...

Cá được thu hoạch nhiều lần trong ngày, khi còn nước thì người dân dùng lưới kéo. Khi bơm hết nước ra khỏi ao, họ lội bì bõm thu hoạch những con cá cuối cùng.

Nhiều em nhỏ cũng hào hứng lội bùn giúp gia đình thu hoạch cá chép để bán cho khách thập phương.

Một ao nuôi cá thường có nhiều người thu hoạch với nhiều công đoạn. Sau khi vớt cá cho vào xô, người trên bờ nhanh chóng di chuyển cá đến ao nước sạch.

Cá được chăm sóc cẩn thận trong ao nước sạch để chờ thương lái đến mua. "Khác với mọi năm, năm nay nhờ có thời tiết ấm áp nên chúng tôi được mùa. Tết năm nay, bà con rất vui mừng", một chủ ao nuôi cá chép đỏ vui mừng chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Bảy (48 tuổi) cho hay để nuôi được giống cá chép đỏ phục vụ đúng vào dịp Tết ông Táo, người nuôi phải rất kỳ công chăm sóc. Ngay từ khâu chọn con giống đến khâu vệ sinh nguồn nước đều được chú trọng. Bởi nếu nguồn nước bẩn thì cá sẽ bị nấm rồi chết dần.


Nhiều thương lái cho hay cá chép làng Tân Cổ luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen.

Từ ngày 15 tháng Chạp, thương lái đã bắt đầu về làng Tân Cổ đặt hàng cá chép đỏ cho ngày ông Táo chầu trời. Trong hai ngày 21-22 tháng Chạp, thương lái đổ về làng Tân Cổ lấy hàng. Cá chép làng Tân Cổ được đóng vào bao nylon, bơm ôxy, đưa đi khắp các tỉnh lân cận. Năm nay, giá cá bán sỉ tại ao dao động 80.000 đến 100.000 đồng/1 kg, bán lẻ 20.000-30.000 đồng/3 con. Trừ chi phí, các hộ nuôi 3-4 ao cá thu về 30 đến 50 triệu đồng.


Những điều đặc biệt về bằng cấp của các tổng thống Mỹ

8 tổng thống Mỹ chưa từng học đại học, 4 người bỏ đại học giữa chừng, 25 tổng thống từng là luật sư. Đó là những điều thú vị về các tổng thống Mỹ.
Ở Silicon Valley, doanh nhân không có bằng đại học vẫn thành đạt không phải hiếm. Thế nhưng, tổng thống Mỹ không có bằng đại học lại là chuyện hoàn toàn khác.
Hầu hết tổng thống đều có ít nhất một bằng cử nhân kể từ năm 1953. Mặc dù vậy, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên với những tiết lộ sau đây về bằng cấp của các ông chủ Nhà Trắng.

 8 tổng thống chưa từng học đại học

Trong lịch sử nước Mỹ, 8 vị tổng thống chưa từng tham dự đại học, trong đó có hai người được khắc chân dung trên núi Rushmore. Đó là George Washington và Abraham Lincoln.
Washington có chứng chỉ điều tra viên tại Đại học William & Mary, bang Virginia, nhưng không có bằng cử nhân. Trong khi đó, ông Lincoln chưa từng học đại học.
Tuy nhiên, cả hai đều được đánh giá là những vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ và được khắc lên núi Rushmore để tưởng nhớ.
Nhung dieu dac biet ve bang cap cua cac tong thong My hinh anh 1
Hai trong 4 vị tổng thống được khắc trên núi Rushmore chưa từng học đại học. Ảnh: Getty.
Những ông chủ Nhà Trắng khác chưa từng học đại học bao gồm Andrew Jackson (1829-1837), Martin Van Buren (1837-1841), Zachary Taylor (1849-1850), Millard Fillmore (1850-1853), Andrew Johnson (1865-1869) và Grover Cleveland (vị tổng thống duy nhất không có bằng cử nhân đảm nhận 2 nhiệm kỳ không liên tục 1885-1889 và 1893-1897).

4 tổng thống từng học đại học nhưng bỏ giữa chừng

Harry S. Truman, tổng thống 33 của Mỹ, từng được cho là chưa bao giờ tham dự đại học mặc dù ông có học một kỳ tại trường kinh doanh ở Kansas City trước khi bỏ để đi làm. Sau đó, ông tham dự một số lớp học buổi tối ở khoa Luật của Đại học Missouri.
Tổng thống thứ 5 James Monroe ghi danh vào Đại học William & Mary nhưng chỉ học một thời gian ngắn, sau đó gia nhập quân đội Continental.
William Henry Harrison, tổng thống thứ 9, học nghiên cứu y học tại Đại học Pennsylvania nhưng không bao giờ tốt nghiệp. Ông mất vào ngày thứ 32 sau khi nhậm chức năm 1841.
Ông chủ Nhà Trắng thứ 25 - William McKinley - học Đại học Allegheny chỉ một năm, tiếp đó ông chuyển sang học trường Luật Albany nhưng sau được nhận vào làm luật sư mà không cần bằng cử nhân.

8 tổng thống có bằng của Đại học Harvard

Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2009, Barack Obama chính thức trở thành vị tổng thống Mỹ thứ 8 tốt nghiệp Đại học Harvard.
7 người khác cùng nằm trong danh sách này bao gồm các tổng thống George W. Bush, John Adams, John Quincy Adams, Rutherford B. Hayes, Theodore Roosevelt, Franklin D. Roosevelt và John F. Kennedy.
Harvard được coi là cái nôi đào tạo ra nhiều ông chủ Nhà Trắng hơn bất kỳ trường đại học nào. Bên cạnh đó, Đại học Yale cũng đào tạo tới 5 vị tổng thống.
Nhung dieu dac biet ve bang cap cua cac tong thong My hinh anh 2
Tổng thống Obama nhận bằng danh dự tại Đại học Morehouse. Ảnh: Huffington Post.

Duy nhất một người có bằng tiến sĩ

Woodrow Wilson, nắm quyền điều hành đất nước từ 1913-1921, là vị tổng thống duy nhất có bằng tiến sĩ.
Ông từng là hiệu trưởng Đại học Princeton trước khi trở thành tổng thống thứ 28 của Mỹ.

25 vị tổng thống của Mỹ là luật sư

Với vai trò là người điều hành đất nước, ông chủ Nhà Trắng có trách nhiệm xét duyệt, ký kết hoặc phủ quyết rất nhiều điều luật.
Chính vì vậy, những hiểu biết về pháp luật, hiến pháp và lịch sử pháp luật có thể giúp tổng thống dự đoán chính xác điều luật đó sẽ thế nào khi đối mặt thách thức từ tòa án hay sẽ thay đổi thế nào theo thời gian.
Trường luật cũng là nơi đào tạo ra nhiều chính trị gia tương lai. Trong danh sách này, Barack Obama và Rutherford B. Hayes đều có bằng cử nhân Luật tại Đại học Harvard. Gerald Ford và Bill Clinton nhận bằng luật của Đại học Yale. Theodore Roosevelt và người em của mình Franklin D. Roosevelt cùng tham dự trường luật Columbia.

Friday 2 December 2016

Dân Quảng Ngãi gánh hai trận lũ trong một ngày

Chưa kịp mừng vì nước vừa rút buổi sáng, chiều 2/12, lũ dâng cao trở lại tràn vào nhà khiến hàng trăm người dân sống ven sông Trà Câu (Quảng Ngãi) phải chịu cảnh khốn khổ.

Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân vùng lũ Quảng Ngãi : Bất chấp nguy hiểm, hàng chục dân quân, thanh niên xung kích đi ghe về vùng lũ ven sông Trà Câu (Quảng Ngãi) sơ tán người dân, hỗ trợ bà con buộc gia súc tránh nước xiết cuốn trôi.


Trận lũ vừa rút buổi sáng, người dân đang loay hoay dọn vệ sinh nhà cửa thì chiều 2/12, cơn lũ kế tiếp dâng cao tràn về khiến hàng trăm hộ dân sống ven sông Trà Câu (huyện Đức Phổ) lại lâm cảnh khốn khổ.


Nước lũ dâng cao gây ngập hơn 1 m trường Tiểu học số 1 Phổ Văn (xã Phổ Văn) chiều nay.


Thống kê sơ bộ của huyện Đức Phổ, trận lũ mới chiều 2/12 gây ngập sâu ít nhất 200 nhà dân ở các xã Phổ Ninh, Phổ Thuận và Phổ Văn. Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Bằng, Chủ tịch UBND xã Phổ Ninh, cho biết trong vòng một ngày, người dân địa phương đã "gồng mình" khốn khổ với hai trận lũ.


Theo ông Bằng, khoảng 2h sáng 2/12, lũ ập về ồ ạt tràn vào nhà dân, có nơi ngập sâu đến 2 m. Gần trưa, tranh thủ nước rút, bà con dọn dẹp vệ sinh thì đến 14 chiều cùng ngày trận lũ mới tiếp tục dâng cao tràn về khiến ai cũng lo lắng, lại tất tả chạy lũ. Dù mưa lớn đã ngớt nhưng do hồ chứa nước núi Ngang (huyện vùng cao Ba Tơ) xả lũ nên mới có trận lũ mới về vùng hạ lưu như vậy.




Một ngày có hai đợt lũ tràn vào nhà

, bà Nguyễn Thị Xuân Mai (ngụ thôn An Trường, xã Phổ Ninh) cảm thấy mệt mỏi rã rời. "Thức dậy từ 2h sáng vợ chồng kê dọn vật dụng, tài sản lên cao, đến gần trưa nước rút thì quét dọn bùn đất trong nhà. Ai ngờ đến chiều nay trận lũ mới lại tràn vào nhà, vợ chồng tôi gần như đuối sức đành kê gạch, đá lội bì bõm trong nước giữa nhà vừa nấu ăn vừa sưởi ấm", bà Mai nói.


Trước diễn biến phức tạp trận lũ mới, lực lượng dân quân, thanh niên xung kích huyện Đức Phổ giúp người dân vùng trũng thấp đến ở vùng cao an toàn. Trong ảnh là lực lượng cứu hộ của xã Phổ Ninh đưa anh Huỳnh Quang Quyền (34 tuổi, ngụ thôn An Trường) cùng vợ, con vượt dòng nước xiết đến trụ sở Ủy ban xã tránh lũ.


Lực lượng cứu hộ xã Phổ Ninh vượt dòng lũ dữ đến hỗ trợ người dân sơ tán tài sản, gia súc tránh nguy hiểm trong trận lũ mới.


Chính quyền xã Phổ Ninh huy động 80 dân quân, thanh niên xung kích giúp sơ tán người già, trẻ em, người tàn tật và gia súc đến vùng cao an toàn.


Đàn bò chen chúc trên hè của ngôi nhà ở xã Phổ Ninh. Để tránh nước lũ cuốn trôi bò, người dân nơi đây dùng những thân tre dài buộc chặt bên ngoài.


"Lũ chồng lũ" làm sạt lở nghiêm trọng nhiều đê ngăn mặn ở huyện Đức Phổ gây ảnh hưởng lớn đến vụ sản xuất Đông- Xuân sắp tới.

Săn vé trận bán kết AFF Cup từ nửa đêm ở Mỹ Đình

7h sáng 3/12, vé bán kết lượt về của tuyển Việt Nam mới mở bán, nhưng từ 0h, hàng trăm người đã "ăn bờ ngủ bụi" ở sân Mỹ Đình (Hà Nội) để xếp hàng chờ mua.

Người hâm mộ xếp hàng mua vé cổ vũ ĐT Việt Nam: Nhiều người hâm mộ có mặt từ chiều tối hôm trước để săn bằng được tấm vé vào cổ vũ đội tuyển Việt Nam.


0h ngày 3/12 trước cửa sân vận động Mỹ Đình, trước 7 tiếng so với giờ mở cửa bán vé. Hàng chục người có mặt xếp hàng để mong đợi mua được vé xem trận bán kết AFF Cup lượt về giữa tuyển Việt Nam và Indonesia.


Những bạn trẻ này cho biết họ có mặt từ 21h hôm trước, mang theo bánh mì lót dạ qua đêm.


Một số bạn trẻ đi xếp hàng mua vé có đôi có lứa.


Những người cẩn thận hơn mang theo cả chăn để có thể ngủ một giấc "dã chiến".


Những người không mang chăn chiếu ngồi dựa hàng rào ngủ.


Những người đến muộn hết chỗ chỉ còn cách ôm chăn đứng suy tính phương án.


Đêm càng về khuya, dòng người đổ về sân Mỹ Đình càng nhộn nhịp. Dịch vụ cho thuê chiếu lập tức hoạt động và đắt khách.


Có dịch vụ giữ xe máy với giá 20.000 đồng/chiếc. Khách hàng yên tâm ngủ cho đến khi mua được vé.


Trời sáng dần, nhiều bạn trẻ vội vàng thức giấc khi lượng người đổ về xếp hàng càng đông.


Những người đến sau chen lấn xô đẩy khiến chị em phụ nữ không đứng vững phải bám chặt chấn song hàng rào.


Một thanh niên mệt mỏi ngủ gà gật trong khi đứng xếp hàng.

Đối với trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình tối 7/12, Liên đoàn bóng đá Viêt Nam bắt đầu mở bán trực tiếp từ 7h sáng 3/12. Vé có 4 mệnh giá gồm 150.000, 250.000, 300.000 và 400.000 đồng, được bán duy nhất tại khu vực cổng sân Mỹ Đình (đường Lê Quang Đạo, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Thời gian mở bán từ 7h sáng ngày 3/12/2016 cho tới 17h cùng ngày (hoặc tại thời điểm hết vé trước 17h ngày 3/12/2016).

Wednesday 5 October 2016

‘Cần tôn vinh 3 anh em sửa xe bị ngập miễn phí'

"Tay chân lem luốc nhưng trái tim sáng ngời", "hiệp sĩ giữa đời thường"… là những lời khen mà độc giả dành cho các chàng trai sửa xe bị ngập miễn phí tại Sài Gòn.
Cơn mưa lớn xảy ra chiều 3/10 tại TP.HCM khiến tuyến đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) chìm sâu trong nước. Nhiều phương tiện giao thông rơi vào tình trạng chết máy khi lưu thông qua vùng nước ngập 50-60 cm.
Thấy nhiều người vất vả, 3 chàng trai gồm Phạm Như Thắng (25 tuổi), Nguyễn Tài Dũng (28 tuổi, cùng quê Quảng Ngãi) và Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi, quê Bình Thuận), sau khi tan làm đã xách đồ nghề sửa xe ra trước điểm ngập để sửa miễn phí cho người dân.
‘Những hành động nhân văn’
Nhiều người dân khá bất ngờ và xúc động khi chứng kiến hình ảnh tấm bảng gỗ ghi dòng chữ Cứu hộ, sửa chữa xe máy bị ngập nước cho bà con miễn phí.
“3 em đã có những hành động ý nghĩa, giữa 4 bề mênh mông nước, người lớn tuổi và các chị em phụ nữ tay yếu chân mềm chẳng biết xoay sở ra sao. Sự xuất hiện của các em như người cứu tinh, giúp họ qua cơn lụt lội sớm về bên gia đình. Người dân cũng thấy ấm lòng khi nhận được sự giúp đỡ giữa trời dông bão”, bạn đọc Phạm Văn Tiệp bày tỏ sự cảm kích.
“Nhà trọ mình cách hơn 10 km. Nếu dắt bộ đi tìm chỗ sửa xe thì không biết khi nào mới đến nhà. Nhìn thấy tấm biển cứu hộ, sửa chữa xe máy bị ngập nước lúc ấy thực hơn bắt được vàng”, bạn đọc Nguyễn Thành tỏ rõ sự phấn khởi.
Cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của 3 chàng trai, độc giả Lưu Chấn Long không kìm được xúc động: “Mình đã khóc khi đọc bài báo này. Cuộc sống vẫn còn quá nhiều người tốt. Người được giúp sẽ cảm thấy ấm lòng giữa trời mưa lạnh giá. Cảm ơn tấm lòng vàng của các bạn”.
‘Can ton vinh 3 anh em sua xe bi ngap mien phi' hinh anh 1
Anh Dũng đang sửa xe cho những người lỡ bị hỏng khi đi qua nước ngập. Ảnh: Lê Trai.
Bên cạnh những bình luận mang tính khen ngợi, khâm phục lòng tốt của 3 chàng trai Sài Gòn, nhiều độc cũng biểu dương việc tốt của 3 chàng trai khi so sánh một số tiệm chùi bugi với giá 150.000 đồng/lần trước đó.
Bạn đọc có nick name Long Nguyễn viết: “Một việc làm thật đáng trân trọng. Nhìn vậy mà buồn cho những tiệm sửa xe đã từng chặt chém người dân. Đồng ý là lâu mới có cơ hội kiếm cơm dễ dàng vậy, nhưng thay bugi 150.000 đồng, xả bình xăng con và chùi bugi 200.000 đồng thì thật quá đáng”.
Thậm chí, độc giả Nguyễn Hoàng Nam nhận định rằng, nhiều thợ sửa xe sẽ phải xấu hổ khi chứng kiến việc làm của 3 thanh niên này. “Chắc những thợ sửa xe lau bugi hét giá 150.000 đồng nhìn sẽ hổ thẹn trước hành động sửa xe miễn phí cho người gặp nạn của 3 chàng lính ngự lâm. Các em thật tuyệt vời!”.
Độc giả Phương Lan, Nguyễn Hạnh, Phạm Bình… để lại bình luận, người ta thì lợi dụng những lúc này để chặt chém lấy tiền, còn các anh thì bỏ công sức ra giúp mọi người, thật là một cử chỉ đẹp đáng phải noi theo. Một hành động xứng đáng được tuyên dương, khen thưởng.
‘Hành động đẹp, cần được phát huy’
"Tay chân lem luốc nhưng trái tim sáng ngời", "hiệp sĩ giữa đời thường"… là những lời khen mà độc giả dành cho các chàng trai. Không ít người bày tỏ mong muốn những hình ảnh vậy sẽ được thấy nhiều hơn trong xã hội.
“Đọc câu chuyện về các anh xong em cảm thấy thế giới này đẹp hơn nhiều. Hãy tiếp tục công việc tuyệt vời ấy. Hy vọng những hình ảnh này sẽ truyền cảm hứng cho mọi người. Mong sẽ có thêm nhiều tấm biển sửa xe miễn phí cho mọi người ở khắp các điểm ngập”, độc giả Hạ Quỳnh Trang viết.
‘Can ton vinh 3 anh em sua xe bi ngap mien phi' hinh anh 2
Bảng thông báo sửa xe miễn phí đặt ngay trên vỉa hè. Ảnh: Lê Trai.
Theo bạn đọc Nguyễn Thành Công, việc làm của 3 chàng trai cần được biểu dương để lòng tốt được nhân rộng.
“Đọc bài viết mà thấy ngưỡng mộ. Việc làm của các em có sức lan tỏa cộng đồng. Chúc các chàng trai thành công trên con đường của mình, cảm phục các em những con người đất Việt”.
Trước những lời động viên của bạn đọc, độc giả Phạm Như Thắng, một trong ba nhân vật chính trong câu chuyện chia sẻ: “Cảm ơn những lời khen, tình cảm của mọi người đã dành cho anh em mình, sắp tới mình sẽ nhân rộng việc làm này.
Hiện tại, mình đang kêu gọi các thanh niên cùng tham gia hoạt động này. Nếu ai không biết sửa thì 3 anh em mình sẽ chỉ, mong mọi người tiếp tục ủng hộ”.
Góp ý về đề xuất này, độc giả Phan Đạt cho rằng, việc hành động và kêu gọi người khác hành động theo mình là đáng tuyên dương.
“Nếu chú còn trẻ, chú nhất định sẽ tham gia cùng các cháu, rất ủng hộ việc làm của các cháu và mong mọi người sẽ tham gia nhiệt để giúp đỡ những người gặp nạn”, nick name này viết.
“Chỗ mình ở không bị ngập nước nhưng thấy nghĩa cử cao đẹp của 3 chàng sửa xe miễn phí này cũng thấy ấm lòng. Hy vọng ngày mai mởZing.vn lên không thấy các bài kiểu như 3 anh sửa xe miễn phí bị côn đồ tấn công vì dành địa bàn”, độc giả Thái Bình Dương hài hước bình luận.
 
Blogger Templates