Powered by Blogger.

Thursday 17 December 2015

Tân Hiệp Phát không sốt sắng vụ chai Number 1 có ruồi?

Theo luật sư bào chữa cho Võ Văn Minh, Công ty Tân Hiệp Phát không biểu hiện sự lo sợ khi bị cáo này muốn doanh nghiệp đưa tiền để đổi lấy chai chai Number 1 có ruồi. 

Sáng 18/12, phiên tòa xét xử vụ Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến chai Number 1 có ruồi tiếp tục diễn ra tại TAND tỉnh Tiền Giang.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP HCM, bảo vệ cho bị cáo Võ Văn Minh) cho biết, chiều hôm trước, ông đã nói rất nhiều về mô típ, quy trình giải quyết vụ việc của Tân Hiệp Phát.

Theo lời khai của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, Bình Dương) thì nhân viên giải quyết khiếu nại khách hàng Trương Tiểu Long đã báo cáo bà từ ban đầu về việc Minh yêu cầu đưa tiền. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng đây là chuyện nội bộ của Tân Hiệp Phát.

1
Võ Văn Minh được cảnh sát đưa đến TAND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Việt Tường. 

“Đại diện VKSND nói như vậy là không đúng, không xem xét ý thức của những người có liên quan là có lo sợ hay không. Quy trình xử lý vụ việc của công ty cho thấy Tân Hiệp Phát hoàn toàn chủ động trong việc này, họ không có biểu hiện lo sợ”, luật sư Thi nói.

Cũng theo luật sư, ông Hoàng Chí Dưỡng (trợ lý của bà Bích) khai, Long chỉ mới báo cáo cho ông việc anh Minh kêu đưa tiền chứ chưa báo điều này cho bà Bích. Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của bà Bích thì Long thường xuyên điện thoại báo cáo vụ việc cho bà là không đúng.

“Theo bút lục 139, Trương Tiểu Long nói quy trình của công ty là không có báo vượt cấp. Như vậy, những vấn đề mâu thuẫn nhau giữa lời khai tại tòa và hồ sơ đã không được đại diện VKSND đề cập đến. Tôi cho rằng, bà Bích không nắm thông tin từ đầu nên không có gì lo sợ”, luật sư Thi nêu quan điểm.

Người bào chữa cho bị cáo cũng đưa ra quan điểm, Tân Hiệp Phát vận hành theo quy trình giải quyết khiếu nại thông thường chứ không tỏ ra sốt sắng gì trong vụ này. Vì vậy, đây không phải là lo sợ, nếu lo sợ thì không kéo dài sự việc cho đến hai tháng.

“Tân Hiệp Phát không chủ động gọi điện cho Minh mà chỉ chờ Minh gọi thì nói rằng đó là lời đe dọa của khách hàng”, người bào chữa nói.

Những vấn đề luật sư tranh luận lại với VKSND sáng nay chủ yếu là hành vi của Minh có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, những suy nghĩ mà Minh nói sẽ làm có được cho là vi phạm pháp luật?

Luật sư Thi cho rằng, theo Luật Báo chí thì mọi công dân đều có quyền cung cấp một hoặc nhiều vụ việc nào đó liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm cho cơ quan truyền thông. Ngoài ra, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm thì bất cứ người nào phát hiện thực phẩm bị lỗi thì có thể thông báo cho Hội bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho công chúng biết có sản phẩm lỗi.

Nếu anh Minh phát tờ rơi cho bà con thì đây được xem là quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp quy định. Trường hợp Minh phát tờ rơi, Tân Hiệp Phát chứng minh được sản phẩm đó không có lỗi thì công ty có quyền khiếu kiện Minh về việc cung cấp thông tin không đúng sự thật.

“Tại sao người ra suy nghĩ đến điều mà pháp luật cho phép để thực hiện quyền của một cá nhân, quyền người tiêu dùng thì lại cho là đe dọa. Khi họ nói ra quyền của họ thì không thể gọi là đe dọa được”, luật sư Thi nêu quan điểm.

Theo cáo trạng, Minh với chị ruột Võ Thị Thảo thuê mặt bằng bán bún tại ngã ba An Cư, xã An Cư, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Họ thỏa thuận, mỗi người bán một tuần xen kẽ nhau, riêng chị Thảo có bán nước uống.

Ngày 3/12/2014, khi Minh lấy nước ngọt bán giúp chị Thảo thì anh này phát hiện trong chai nhựa nhãn hiệu Number 1 có con ruồi bên trong nên mang đi cất giấu. Sau đó, nam thanh niên nghĩ đến ý định dùng chai Number 1 này để đe dọa, yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát đưa tiền cho mình nhằm đổi lấy sự im lặng của anh ta.

Hai ngày sau, Minh được cho là điện thoại đến Công ty Tân Hiệp Phát để yêu cầu doanh nghiệp đưa 1 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp không đưa tiền, Minh sẽ khiếu kiện đến Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đăng tải trên báo chí, cung cấp thông tin cho chương trình 60 giây và in 5.000 tờ rơi về vụ này để Tân Hiệp Phát mất uy tín.

Ngày 6/12/2014, Tân Hiệp Phát phân công nhân viên đến gặp Minh. Anh này sau đó đưa ra yêu cầu đại diện doanh nghiệp phải đưa cho mình 1 tỷ đồng để đổi lấy chai Number 1 có ruồi nhưng bất thành. Hai lần thỏa thuận sau đó, Minh được cho là hạ giá xuống 600 triệu đồng và cuối cùng là chốt lại 500 triệu.

Ngày 27/1, Tân Hiệp Phát cử 3 nhân viên đến Tiền Giang gặp Minh. Sau khi đại diện doanh nghiệp đưa Minh nửa tỷ đồng tại quán giải khát Hương Quê ở xã Hậu Thành (Cái Bè), anh này viết biên nhận cho người giao tiền. Khi Minh để tiền vào cốp xe máy và định ra về thì bị công an ập vào bắt quả tang. Sau đó, Công an Tiền Giang tạm giam Minh đến nay.

Nhà nghèo nhất thôn mua 12 lô đất sát sân bay quân sự

Nhiều cá nhân chỉ là người lao động bình thường, thậm chí thuộc diện nghèo lại có tiền mua hàng chục lô "đất vàng" ở khu vực nhạy cảm ven biển Đà Nẵng. 

Ngày 17/12, trao đổi với Zing.vn, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), thốt lên: "Tôi rất bất ngờ vì chỉ có 26 người nhưng họ đứng tên mua 74 lô đất ở khu vực ven biển Đà Nẵng".

Bất thường những người mua đất ven biển

Ông Tăng Hà Vinh - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Ngũ Hành Sơn, cho biết có 246 lô đất ở sát sân bay Nước Mặn (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) với diện tích gần 40.000 m2 nghi đã rơi vào tay người Trung Quốc.

Trong 26 cá nhân đứng tên mua đất ven biển, chỉ 15 người có hộ khẩu tại Đà Nẵng, các cá nhân còn lại ở Hà Nội và TP HCM.

Nhà nghèo nhất thôn mua 12 lô đất sát sân bay quân sự
Hàng trăm lô đất (đánh dấu vàng) ven biển đã được các cá nhân đứng tên sở hữu nhưng nhà chức trách nghi ngờ đứng sau là các ông chủ người Trung Quốc. Ảnh: Đ.Nguyên. 
Theo lãnh đạo và người dân địa phương, hầu hết những cá nhân trên đều là người lao động chân tay với mức thu nhập đủ sống. Thế nhưng, giờ họ lại có tiền mua hàng chục lô "đất vàng" ven biển.

Ví dụ, ông Lý Phước Cang (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), mua tới 12 lô đất rộng khoảng 2.000 m2. Tính theo giá đất hiện hành, số tiền ông này bỏ ra để mua 12 lô đất trên khoảng 60 tỷ đồng.

Chủ nhiều lô đất là bảo vệ cho công ty Trung Quốc

Trước thông tin này, bà Nguyễn Thị Tấn, Trưởng thôn Dương Sơn tỏ ra bất ngờ: "Gia đình ông Cang nghèo đến mức cha ốm nặng không có tiền đi chữa bệnh. Ba năm trước, tôi xin cho ông ấy đi làm bảo vệ. Vợ ông này làm công nhân, thu nhập của hai người không đủ nuôi con ăn học thì lấy đâu ra tiền mua 12 lô đất".

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư chi bộ thôn Dương Sơn cũng cho biết, ông Cang lấy vợ được hơn 10 năm, sinh 2 người con. Gia đình ông Cang thuộc diện nghèo nhất thôn và đang phải ở nhờ nhà cấp 4 của người chú họ.

"Nhà bị xuống cấp lâu rồi mà không sửa được thì lấy đâu ra tiền để mua đất. 12 lô đất ven biển chắc là tiền của người khác nhờ ông ấy đứng tên mua hộ", ông Thành khẳng định.

Nhà nghèo nhất thôn mua 12 lô đất sát sân bay quân sự
Ngay sau các khách sạn cao tầng do người Trung Quốc làm chủ là sân bay Nước Mặn. Ảnh: Đoàn Nguyên.  
Tương tự, ông Trách Duy Phúc (tổ 96, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) làm bảo vệ nhưng cũng mua 3 lô đất. Ông Nghĩa cho hay, ông Phúc người Cao Bằng, gốc Hoa đến làm việc tự do ở phường Khuê Mỹ hơn mười năm nay.

Trước đây, ông Phúc là đội trưởng đội bảo vệ Công ty Silver Shores (Trung Quốc). Năm 2014, nghỉ việc chưa được bao lâu, ông này mua 3 lô đất tổng diện tích gần 500 m2 ở đường Võ Nguyên Giáp.

"Ông Phúc có một nhà trọ ở đường Nguyễn Đức Thuận (gần sân bay Nước Mặn) cho người Trung Quốc thuê. Với thu nhập của ông ấy rất khó để mua 3 lô đất ở ven biển", vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phúc thừa nhận các lô đất ông mua ở gần sân bay Nước Mặn có sự hợp tác đầu tư của người Trung Quốc.

“Chúng tôi mua đất để đầu tư kinh doanh, việc này đúng luật. Khi đầu tư, tôi cũng nói với phía đối tác là phải tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp Việt Nam. Gần đây, dư luận râm ran về việc những lô đất này thuộc vùng nhạy cảm gì đó. Tuy nhiên chúng tôi đầu tư làm ăn kinh tế, đâu có nghĩ gì sâu xa”, ông Phúc nói rồi tắt điện thoại.

Người Việt không có vai trò trong công ty cổ phần

Ông Vinh cho biết, các lô đất biệt thự ở đường Võ Nguyên Giáp thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND TP Đà Nẵng. Các tập thể, cá nhân mua đất thì giao dịch với lãnh đạo Công ty khai thác quỹ đất (trực thuộc Sở TN - MT TP) và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất một cửa.

Nhà nghèo nhất thôn mua 12 lô đất sát sân bay quân sự
Trên giấy tờ, các lô đất này do người Việt đứng tên nhưng sau khi xây khách sạn, ông chủ lại là người Trung Quốc. Ảnh: Đoàn Nguyên. 
Trước đây, một số người dân mua đất ở khu vực này. Sau đó, họ không có nhu cầu sử dụng nên chuyển nhượng cho người khác. “Khi thấy hồ sơ hợp lệ thì chúng tôi làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”, ông Vinh cho hay.

Còn ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN - MT Đà Nẵng cho rằng, đứng đằng sau các cá nhân này có khả năng là những ông chủ nhiều tiền người Trung Quốc. Hiện, phần lớn các lô đất này đều được xây dựng khách sạn, nhà hàng mang tên Trung Quốc.

"Diện tích không lớn nhưng sau này cụm ấy có thể ở được cả trăm nghìn người. Cả khu vực Silver Shores và xung quanh phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) hiện nay người Trung Quốc ở rất đông”, ông Điểu cho hay.

Vị lãnh đạo này kể, vừa rồi đích thân ông đã rà soát những công ty cổ phần xin phép thành lập trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Kết quả, nhiều doanh nghiệp có người Việt Nam đứng tên chung với người Trung Quốc nhưng cổ phần rất ít.

Nhà nghèo nhất thôn mua 12 lô đất sát sân bay quân sự
Thậm chí ngay cả các quán massage, người Việt cũng rất khó tiếp cận. Ảnh: Đoàn Nguyên. 
"Quyền quyết định ở các doanh nghiệp này thuộc về người Trung Quốc. Người Việt chỉ làm thuê và hưởng lợi nhuận theo mức độ đóng góp cổ phần", ông Điểu cho hay.

Khách sạn, nhà hàng chỉ dành cho người Trung Quốc

Theo tìm hiểu của Zing.vn, các nhà hàng, khách sạn có ông chủ là người Trung Quốc, hầu như chỉ dành cho người Trung Quốc đến ăn uống và thuê trọ.

Anh Trần Văn Khánh, một hướng dẫn viên du lịch kể, cách đây gần tháng, anh dẫn đoàn 7 khách người Việt đến thuê phòng ở khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp có chủ là người Trung Quốc.
"Thấy chúng tôi, cô lễ tân nói: Đã hết phòng. Ra đến cửa, tôi thấy có 3 vị khách người Trung Quốc đến thuê phòng thì vẫn còn", anh Khánh kể.

Giám đốc một ty du lịch ở Đà Nẵng cho biết thêm, ngay cả khu giải trí casino cao cấp Silver Shores cũng không nhận người Việt đến lưu trú.

"Công ty của tụi tôi mỗi lần đưa khách đến thì tuyệt đối họ không hợp tác. Mấy nhà hàng, khách sạn ngay cạnh sân bay Nước Mặn cũng làm ăn khép kín. Đa số người Trung Quốc, Hồng Kông thuê ở chứ người Việt mình thì không thể bén mảng đến được", vị giám đốc này nói.

Để xác minh thông tin trên, phóng viên đã đóng giả du khách đến các khách sạn trên đặt phòng nhưng đều nhận được câu trả lời: hết phòng.

Thursday 29 October 2015

Memphis Depay là nỗi thất vọng lớn nhất của MU

Với chiếc áo số 7, Memphis Depay xuất hiện ngày một giống Michael Owen, tầm thường tựa Valencia và gây thất vọng như Di Maria. Sẽ không ngạc nhiên nếu anh phải sớm rời MU. 

Khi MU công bố bản HĐ mang tên Memphis Depay vào cuối mùa giải trước, người hâm mộ của họ thực sự vui mừng. Các Manucian không thể chờ đợi đến ngày được xem ngôi sao ghi bàn hàng đầu giải VĐQG chơi bóng trong màu áo đỏ. Họ đã sớm hình dung về một cầu thủ là sự kết hợp giữa tốc độ, kỹ thuật và bản năng săn bàn. Anh ta đến để tiếp nối truyền thống về những cầu thủ chạy cánh ở Old Trafford.

Thật vậy, Depay được ưu ái trao cho chiếc áo số 7 huyền thoại, gắn liền với George Best, Eric Cantona, David Beckham và Cristiano Ronaldo. Ngay lập tức, áo đấu của tân binh người Hà Lan trở thành mặt hàng bán chạy nhất MU và cả Premier League. Đâu đâu người ta cũng nói về Depay, so sánh anh ta với Ronaldo, cựu Quỷ đỏ và cũng bao gồm các tố chất tương tự khi mới đến.

Van Gaal dĩ nhiên yêu thương Depay rất nhiều. Ông phát hiện và đưa anh ta đến World Cup và vào những ngày cuối cùng trên đất Brazil, đã rỉ tai cậu học trò về sự tái hợp giữa hai người, về cuộc sống ở Manchester. Tulip thép tự tin ông là người hiểu rõ Depay và bỏ qua Georginio Wijnaldum hay Luciano Narsingh, những tài năng khác của PSV.

Memphis Depay là nỗi thất vọng lớn nhất của MU
Quá ít khoảnh khắc Depay bùng nổ.

Công bằng mà nói, Depay khi bắt đầu đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về tài năng của mình. Anh cho thấy những pha đi bóng lắt léo, sự nhanh nhẹn và năng động để chơi ở nhiều vị trí. Ở trận thứ 3 cho MU, cầu thủ 21 tuổi lập một cú đúp (gặp Club Brugge). Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi.

Mặc dù ghi thêm 2 bàn nữa (gặp PSV và Sunderland) nhưng trong 14 trận tiếp theo, Depay là nỗi thất vọng ghê gớm. Từ đầu mùa, anh khống chế lỗi hoặc bị cướp bóng 58 lần, không ai thường xuyên như vậy ở MU. Trong thất bại tồi tệ trước Arsenal, anh bị mất bóng nhiều nhất (3), chuyền ít nhất (16) với độ chính xác tồi nhất (75%) - những thống kê mang tính chọc giận người quản lý luôn bị ám ảnh về kiểm soát bóng. Depay bị thay ra sau 45 phút và 4 trận tiếp theo của MU, anh chỉ được tham dự 81 phút.

Gặp Middlesbrough có thể hiểu là một cơ hội để bản hợp đồng đầu tiên của mùa hè 2015 lấy lại hình ảnh trong mắt Van Gaal và người hâm mộ. Một lần nữa, anh để nó tuột khỏi tay. Có một chút nỗ lực trong nửa đầu trận nhưng sang hiệp 2, Depay luôn có những quyết định sai lầm, khi rê hoặc chuyền bóng. Anh cũng bỏ lỡ một bàn thắng dù ở khoảng cách chỉ 7 mét. Depay có cố gắng để gây ấn tượng, nhưng trong một trạng thái tuyệt vọng.  

Memphis Depay là nỗi thất vọng lớn nhất của MU
Depay là nỗi thất vọng ghê gớm với 58 lần mất bóng từ đầu mùa. 

Trước mắt là chuyến làm khách với Crystal Palace và sau đó là cuộc tiếp đón CSKA Moscow, Van Gaal có lẽ không muốn sử dụng Anthony Martial cho trận đấu tại League Cup. Nhưng màn trình diễn nhợt nhạt của Depay khiến MU có số lượng ít ỏi các đợt tấn công sáng tạo, ông buộc phải đẩy anh ta vào. Người bị thay ra chính là cầu thủ người Hà Lan. Thật mỉa mai bởi mới đây thôi, Rooney đã ca ngợi Martial kết hợp với Depay để tái hiện hình ảnh giữa anh và Ronaldo cách đây 7 năm. Bây giờ đến Jesse Lingard cũng trở thành cái tên đe dọa vị trí của Depay.

Liệu Depay có thể cải thiện? Rất khó. Anh có những phẩm chất đặc biệt, nhưng đó chỉ là điều kiện cần để trở thành ngôi sao lớn. Và cầu thủ 21 tuổi cũng cần hiểu, anh có tốc độ nhưng không phải trên đường chạy 100 mét giống Usain Bolt, mà chơi bóng đá với 10 cầu thủ khác, một trò chơi mang tính tập thể.

Depay đã nhận được các khuyến cáo nhưng không sẵn sàng thay đổi. Anh bận rộn với cô người yêu gốc Việt Karrueche Tran, với mối quan tâm chủ yếu về kiểu tóc, về các loại thời trang kỳ lạ để trở thành nổi bật và những cuộc chơi về đêm ở Manchester.

Memphis Depay là nỗi thất vọng lớn nhất của MU
Depay luôn bận bịu với cô bạn gái gốc Việt, Karrueche Tran 

Người ta mong anh ta rồi sẽ tốt lên nhưng bây giờ đã chuẩn bị bước sang tháng 11 và mùa giải trôi qua được 1/4. Khoác áo số 7 nhưng Depay không đi theo con đường của Beckham hay Ronaldo. Anh xuất hiện ngày một giống Michael Owen, tầm thường tựa Antonio Valencia và gây thất vọng như Di Maria.

Những người hâm mộ MU đã la ó Depay cả trận đấu với Middlesbrough và biến cầu thủ 21 tuổi là chủ đề chế giễu trên mạng xã hội sau đó. Van Gaal biết điều này. Và ông cũng không phải mẫu người kiên nhẫn, hoặc luôn dành tình cảm đặc biệt với ai đó. Khi một cầu thủ từ chối hoạt động theo cách của ông, kẻ đó sẽ bị loại trừ, giống như Di Maria, Falcao, Van Persie, Chicharito, Kagawa, John Evans và nhiều người khác.


Không bao giờ có trường hợp ngoại lệ, nếu đã “hết thuốc chữa”.

Vì sao 32.000 tấn tôm, cá Việt bị trả về?

Nếu thủy sản Việt Nam tiếp tục nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép, nhiều thị trường sẽ ngưng nhập khẩu. 

Việt Nam là nước có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng bị trả về. Riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có năm lô. Cá biệt có một công ty có đến 54 lô hàng bị trả về, một công ty khác số lô hàng bị trả về lên tới 70.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tam đã báo động đỏ như trên đối với thủy sản Việt Nam tại hội nghị “Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu” ngày 29/10 tại TP HCM.

Mất nhiều thị trường vì sản phẩm bẩn

Tại hội nghị, các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu thủy sản thừa nhận, các lô hàng bị trả về chủ yếu do nguồn nguyên liệu không sạch và hiện nay kiếm con tôm, con cá nuôi sạch còn… khó hơn tìm con tôm, cá bẩn.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), phải thốt lên: “Chưa bao giờ môi trường ở ĐBSCL lại tệ như bây giờ. Môi trường quá bẩn, sông ngòi đều nhiễm chất thải. Đặc biệt là con tôm, từ đầu năm đến nay, nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Người nuôi bắt buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Họ dùng thuốc kháng sinh tá lả không kiểm soát khiến DN thu mua đều dính nguồn nguyên liệu bẩn”.

Theo ông Lực, hiện nay phần lớn cá tra đều do DN tự nuôi nên có thể kiểm soát được thức ăn, thuốc kháng sinh, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch. Còn con tôm thì chủ yếu nuôi nhỏ lẻ vì vốn đầu tư cao, mất nhiều diện tích nên DN không đủ tiền. Vì vậy tôm nguyên liệu nhiễm kháng sinh, mầm bệnh nhiều.

“Thuốc thú y được quảng cáo, bán tràn lan khiến người nuôi không biết đâu là thuốc có thể sử dụng được và không để lại tồn dư kháng sinh cấm trong con tôm”, ông Lực ca thán.

Tiếp lời, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phẩn Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nói kết luận của cơ quan quản lý rằng, do khâu nuôi trồng (khiến sản phẩm bị bẩn - PV) là không thuyết phục.

Ông Lĩnh chỉ ra nguyên nhân: “Kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh… nhưng không ai hỗ trợ nông dân. Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ được 30%-35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1-3 USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều DN tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm”.

Minh Phú là một trong những DN xây dựng được vùng nuôi, đảm bảo được nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: DN giới thiệu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu tại một hội chợ.

Minh Phú là một trong những DN xây dựng được vùng nuôi, đảm bảo được nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu. Trong ảnh: DN giới thiệu các mặt hàng thủy sản xuất khẩu tại một hội chợ.

Hệ quả, theo ông Lĩnh, dù giảm được một phần nhỏ giá thành nhưng lại khiến chất lượng tôm Việt Nam giảm đi rất nhiều, rủi ro bị trả về lớn hơn. Thậm chí DN mất nhiều thị trường quan trọng.

“Tôm thu mua thì nhiễm chất cấm, ngày càng khan hiếm nguyên liệu. Vì thế chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ Ấn Độ về chế biến xuất khẩu”, ông Lĩnh cho biết thêm.

Thưởng cho người phát hiện chất cấm

Theo ông Hồ Quốc Lực, hiện nay những DN kiểm soát được nguyên liệu thủy sản xuất khẩu là nhờ xây dựng vùng nuôi. Cụ thể với các hộ nuôi nhỏ lẻ, DN chủ động liên kết lại thành những tổ hợp tác với vùng nuôi 50-70 ha trở lên, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

“Đến giờ chúng tôi đã có 10 tổ hợp, qua đó không chỉ kiểm soát được chất kháng sinh mà còn tăng được năng suất. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng nhiều hơn mô hình này”, ông Lực nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt-Úc, nói mỗi năm nuôi tôm được ba vụ, tổng năng suất có thể lên đến 100 tấn/ha/năm.

“Không chỉ năng suất cao mà tôm thương phẩm còn đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn, do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới”, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, để có thủy sản sạch thì chính DN phải kiểm tra được nguồn nguyên liệu, xây dựng liên kết vùng nuôi. Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển những mô hình sản xuất sạch của DN.

“Đề nghị Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương, DN lập danh mục những DN bị cảnh báo ở thị trường nước ngoài. Từ đó phân loại và tăng tần suất kiểm tra đối với DN có nhiều lô hàng bị cảnh báo, trả về”, ông Tám chỉ đạo.

Ông Tám cũng cho hay, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công an lập đoàn thanh tra tập trung xử lý nghiêm một số đường dây buôn lậu vật tư nông nghiệp, kháng sinh cấm.

“Bộ cũng sẽ treo giải thưởng cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về đường dây buôn lậu và kinh doanh chất cấm, kháng sinh xuống các vùng nuôi, đồng thời công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin”, Thứ trưởng cho biết.

Nhiều nước “dọa” ngưng nhập thủy sản Việt

9 tháng đầu năm nay, có 27 lô hàng xuất sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, tăng 6 lô so với năm 2014. Số lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu kháng sinh cấm vượt ngưỡng cho phép tăng 2,5-3,7 lần so với năm 2014 (tùy từng chất cấm). Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra chặt và có thể áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu nếu tình hình không cải thiện.

EU cũng cảnh báo 27 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm kháng sinh và đã có văn bản nêu rõ 24 DN nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt.

Với thị trường Mỹ, số lô hàng cá biển, tôm vi phạm chỉ tiêu kháng sinh là 35, tăng sáu lần so với năm 2014.

Úc cũng cho biết sẽ ngừng nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tỉ lệ vi phạm dư lượng kháng sinh gia tăng.

Phi cơ Mỹ, Hàn chặn máy bay Nga gần bán đảo Triều Tiên

Nhóm chiến đấu cơ Hàn Quốc và Mỹ chặn hai phi cơ quân sự của Nga khi chúng bay gần một tàu sân bay Mỹ gần bán đảo Triều Tiên, các quan chức thông báo hôm 29/10. 

Một phi cơ Tu-142 Bear. Ảnh: defence.pk
Một phi cơ Tu-142 Bear. Ảnh: defence.pk 

Hôm 29/10 theo giờ Mỹ, ông Josh Earnest, người phát ngôn của Nhà Trắng, thông báo hai máy bay Tu-142 Bear của Nga tới gần hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan khi nó đang tập trận với các tàu Hàn Quốc trong Biển Nhật Bản hôm 27/10, AFP đưa tin.

"Ban đầu các máy bay Hàn Quốc áp sát hai phi cơ Nga. Sau đó 4 chiến đấu cơ F/A-18 của Mỹ cũng xuất kích", ông Earnets nói, đồng thời khẳng định đây không phải là hành vi gây hấn. Theo ông, tàu USS Ronald Reagan đang hoạt động trong vùng biển quốc tế khi sự việc xảy ra. 

Jeff Davis, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, xác nhận hai phi cơ Tu-142 Bear của Nga bay cách tàu sân bay khoảng 1,6 km và ở độ cao khoảng 150 m. Không dấu hiệu nào cho thấy hai phi cơ Nga muốn đe dọa tàu. Tu-142 Bear là loại máy bay do thám tầm xa và chống tàu ngầm.

 "Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn điều 4 phản lực cơ F/A-18 để chặn và hộ tống đội máy bay Nga. Trước đó một trong những tàu hộ tống USS Ronald Reagan cố gắng liên lạc với hai máy bay bằng sóng radio, nhưng họ không trả lời", Davis nói.

Giảm 3,88%, mỗi tháng vẫn có 718 người chết vì giao thông

Dù giảm được 3,88% số người chết nhưng trong 10 tháng năm 2015 số người chết vì TNGT vẫn ở mức cao, trung bình mỗi tháng có 718 người bị thiệt mạng. 

Ngày 29/10, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết trong 10 tháng năm 2015 (tính từ ngày 16/12/2014 đến 15/10/2015) số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm 290 trường hợp so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, dù giảm được 3,88% số người chết nhưng trong 10 tháng số người chết vì TNGT vẫn ở mức cao, trung bình mỗi tháng có 718 nạn nhân bị thiệt mạng.

Chiếc xe bị tai nạn xảy ra trưa 29-10 tại dốc cầu Mỹ Quý - thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Chiếc xe bị tai nạn xảy ra trưa 29/10 tại dốc cầu Mỹ Quý - thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.  
Cụ thể, 10 tháng đầu năm cả nước xảy ra 18.437 vụ TNGT, làm chết 7.185 người, 16.755 người bị thương.

So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.364 vụ (giảm 11,36%), giảm 290 người chết (giảm 3,88%), 3.218 bị thương (giảm 16,11%).

Riêng tháng 10/2015 (tính từ ngày 16/9 đến 15/10/2015) cả nước xảy ra 1.978 vụ TNGT, làm chết 667 người, 1.826 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 125 vụ (giảm 5,94%), giảm 50 người chết (giảm 6,97%), giảm 312 người bị thương (giảm 14,59%).

Trong 10 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT toàn quốc đăng ký mới 259.940 ôtô và 2.490.666 môtô.

Số xe đăng ký mới này nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 2.609.607 ôtô và 43.703.658 môtô.

Trong 10 tháng của năm 2015, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 3.491.600 trường hợp vi phạm  trật ATGT đường bộ, phạt tiền 2.261,22 tỷ đồng, tạm giữ 32.081 ôtô và 422.527 môtô, tước 290.860 giấy phép lái xe.

Riêng lĩnh vực đường thủy, CSGT xử lý 162.424 trường hợp vi phạm  trật tự ATGT đường thủy nội địa, phạt tiền 91,843 tỷ đồng.

Philippines thắng vòng đầu trong vụ kiện Trung Quốc

Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan tuyên bố họ có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông theo đơn kiện của Manila. 

Nhóm thẩm phán của PCA sẽ tham gia quá trình xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh:
Nhóm thẩm phán của PCA sẽ tham gia quá trình xử vụ Philippines kiện Trung Quốc. Ảnh: PCA

Trong một thông báo vào đêm 29/10, PCA tuyên bố họ sẽ mở phiên xử tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc do cả hai nước đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo PCA, họ có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Philippines đưa ra, theo đó Manila yêu cầu tòa coi đường 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS. 

PCA bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ và tòa án nên tổ chức thêm các phiên điều trần để xem xét giá trị đơn kiện mà Philippines trình lên tòa, Reuters đưa tin.

Nội dung thông báo của PCA về vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: PCA
Nội dung thông báo của PCA về vụ Philippines kiện đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: PCA 

Chính phủ Trung Quốc không tham dự các phiên điều trần trước đây của PCA, đồng thời khẳng định PCA không có thẩm quyền xử vụ kiện. 

"Việc Trung Quốc không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa. 
Quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS", báo Rappler của Philippines trích dẫn thông báo của PCA. 

Mỹ, đồng minh của Philippines, hoan nghênh quyết định của PCA.

"Quyết định của PCA cho thấy sự liên quan giữa luật pháp quốc tế với những bất đồng trên Biển Đông. Nó cũng cho thấy những tuyên bố về chủ quyền không phải là thứ mà chúng ta không thể phản đối. Xét xử những vấn đề như vậy theo luật pháp và thông lệ quốc tế là cách bền vững để kiểm soát, hay thậm chí giải quyết, những bất đồng về lãnh thổ", một quan chức giấu tiên thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát biểu.

John Kirby, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng, theo những điều khoản của UNCLOS, phán quyết của PCA sẽ mang tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines. 

Ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận định rằng quyết định của PCA là bước quan trọng để duy trì luật pháp quốc tế đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. 

"Chúng ta nên tiếp tục hỗ trợ các nước đối tác và đồng minh như Philippines để trong bối cảnh Trung Quốc tỏ ra quyết đoán với tuyên bố chủ quyền của họ trên biển", ông nói.

Philippines thắng vòng đầu trong vụ kiện Trung Quốc
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Philippines và Trung Quốc tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: Wikipedia     

Bonnie Glaser, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói rằng tuyên bố của PCA là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc, đặc biệt là khi tòa bác bỏ luận điệu của Trung Quốc về việc Manila chưa cố gắng thương lượng với Bắc Kinh để giải quyết bất đồng.

Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế từ tháng 1/2013. Quyết định của PCA có thể coi là thắng lợi quan trọng cho các nước nhỏ ở khu vực đang lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông.      

Các nước đã mất hơn hai thập kỷ để thuyết phục Trung Quốc đưa ra một giải pháp hoà bình trên biển, song bất thành. Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động lấn đất ngoài đảo trong hơn 18 tháng qua. Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh làm vậy để “thay đổi hiện trạng” nhằm đối phó với phán quyết của toà.
 
Blogger Templates